Chắc hẳn bạn đã từng thấy qua từ khóa “Logistics” ít nhất một lần. Trong bối cảnh những năm gần đây, logistics ngày một phổ biến ở Việt Nam. Có rất nhiều người biết đến thuật ngữ logistic nhưng không phải ai cũng hiểu rõ về ngành logistic cũng như ngành này vận hành như thế nào. Nắm bắt được điểm này, bài viết sau đây sẽ cung cấp cho bạn thông tin và kiến thức cụ thể về ngành logistics.
Logistics là gì?
Logistics là một thuật ngữ chuyên ngành gốc Hy Lạp. Cho đến nay chưa có từ tiếng Việt nào đủ nghĩa để thay thế logistics nên được tạm dịch là hậu cần. Hiện tại có rất nhiều khái niệm về logistics như:
Theo Hội đồng quản trị logistics Hoa Kỳ (LAC – The US. Logistic Administration Council): “Logistics là quá trình lập kế hoạch, thực hiện và kiểm soát dòng di chuyển và lưu kho những nguyên vật liệu thô của hàng hóa trong quy trình, những hành hóa thành phẩm và những thông tin liên quan từ khâu mua sắm nguyên vật liệu đến khi được tiêu dùng, nhằm thỏa mãn yêu cầu của người tiêu dùng”.

Theo Bộ Luật Thương mại năm 2005 của pháp luật Việt Nam, trích dẫn điều 233 khi quy định dịch vụ logistics là một hoạt động thương mại. Trong bộ luật này, thương nhân đứng ra tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công đoạn bao gồm: Nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, đại diện làm thủ tục hải quan hoặc các thủ tục giấy tời khác, trực tiếp hoặc gián tiếp tư vấn khách hàng, tham gia đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hóa theo thỏa thuận với khách hàng để hưởng thù lao…
Tuy nhiên, bạn có thể hiểu logistics đơn giản là chuỗi cũng ứng nhiều hoạt động xoay quanh hàng hóa như: đóng gói, nhập kho, vận chuyển, lưu kho, bảo quản, làm thủ tục hải quan, thủ tục giấy tờ khác,….
Trước đây, khi chưa có các đơn vị chuyên làm dịch vụ logistics thì mỗi doanh nghiệp đều phải tự thực hiện quy trình này. Để sản xuất và kinh doanh tốt hơn, các doanh nghiệp thực hiện hoạt động Logistics hiệu quả. Từ đó có thể tiết kiệm được đáng kể khoản chi phí vận chuyển, tránh việc “đội giá” sản phẩm và tăng mức lợi nhuận thu được.
Các hoạt động của ngành Logistics
- Dự báo nhu cầu
- Thông tin trong phân phối
- Kiểm soát lưu kho
- Vận chuyển nguyên vật liệu
- Quản lý quá trình đặt hàng
- Lựa chọn địa điểm nhà máy và kho
- Thu gom hàng hóa
- Đóng gói, xếp dỡ hàng
- Phân loại hàng hóa
Lịch sử Logistics
Thuật ngữ logistics bắt nguồn từ các cuộc chiến tranh cổ đại của đế chế Hy Lạp và La Mã Trong các cuộc chiến tranh cổ đại, những chiến binh có chức danh “Logistikas” được giao nhiệm vụ chu cấp và phân phối vũ khí và nhu yếu phẩm, đảm bảo điều kiện cho quân sỹ hành quân an toàn từ bản doanh đến một vị trí khác. Công việc hậu cần này có ý nghĩa sống còn tới cục diện của chiến tranh, khi các bên tìm mọi cách bảo vệ nguồn cung ứng của mình và tìm cách triệt phá nguồn cung ứng của đối phương. Quá trình tác nghiệp đó dần hình thành một hệ thống mà sau này được vận dụng trong các phương pháp quản lý logistics.

Những tướng quân làm về quân nhu như trong thời Tam Quốc (220-280) cũng thực hiện vai trò tương tự với logistikas.
Thuật ngữ logistics trong tiếng Anh bắt nguồn từ chữ Hy Lạp logistikos. Theo định nghĩa của Oxford thì logistics trong tiếng Anh được hiểu là một nhánh của khoa học quân sự liên quan đến việc tiến hành, duy trì và vận chuyển phương tiện thiết bị và nhân sự.
Khái niệm hậu cần/logistics liên quan đến kinh doanh bắt nguồn từ những năm 1950. Điều này chủ yếu là do sự gia tăng trong việc cung cấp, vận chuyển trong một thế giới toàn cầu hóa đòi hỏi phải có những nhà chuyên gia trong lĩnh vực này.
Trong thế chiến thứ hai, vai trò của “logistics” càng được khẳng định. Đội quân hậu cần của quân đội Mỹ và đồng minh tỏ ra có hiệu quả hơn của quân đội Đức. Quân Mỹ đã đảm bảo cung cấp vũ khí, đạn dược, và quân nhu đúng địa điểm, đúng thời gian, bằng những phương thức tối ưu. Nhờ phát huy ưu thế về công tác hậu cần mà Mỹ và đồng minh đã nhiều lần chiếm ưu thế trong cuộc chiến tranh. Cũng trong thời gian này, nhiều ứng dụng về logictics đã được phát triển và vẫn còn được sử dụng đến ngày nay. Mặc dù đã có ít nhiều thay đổi để phù hợp với môi trường sản xuất kinh doanh.
Phân loại logistics theo quá trình
Inbound Logistics (Logistics đầu vào): gồm hoạt động tiếp nhận và lưu trữ nguyên vật liệu đầu vào từ nhà cung cấp đến doanh nghiệp, đảm bảo các yếu tố đầu vào được cũng ứng một cách tối ưu về giá trị, thời gian và chi phí phục vụ cho quá trình sản xuất. Dòng dịch chuyển này cần được giám sát nghiêm ngặt để việc sản xuất diễn ra thuận lợi với mức chi phí thấp nhất, ít rủi ro nhất và hiệu quả nhất có thể.
Outbound Logistics (Logistics đầu vào): gồm các hoạt động như kho bãi lưu trữ, phân phối sản phẩm đến nơi nhận (nhà bán buôn, bán lẻ, khách hàng…) sao cho tối ưu về địa điểm, thời gian và chi phí nhằm tạo ra thành phẩm với giá thành rẻ, đáp ứng toàn diện, kịp thời nhu cầu khách hàng và đem về lợi nhuận tối đa cho doanh nghiệp.
Reverse Logistics (Logistics ngược): gồm các hoạt động của quá trình thu hồi sản phẩm lỗi, phế phẩm, phế liệu…phát sinh sau khi phân phối sản phẩm, nhằm mục đích tài chế hoặc xử lý.
Các hình thức của logistics
Khi nhắc đến logistics, bạn sẽ thấy những từ như 1PL, 2PL, 3PL, 4PL. Ở đây P là viết tắt của Party, tức những bên liên quan và hình thức Logistics cũng sẽ được chia theo số lượng bên liên qua.

1PL – First Party Logistics
Tức doanh nghiệp sản xuất sẽ tự chịu trách nhiệm cho mọi hoạt động lưu trữ, vận chuyển từ đầu vào tới đầu ra là người tiêu thụ cuối cùng.
2PL – Second Party Logistics
Doanh nghiệp vừa thực hiện quản lý Logistics vừa thuê ngoài dịch vụ Logistics cho một hoạt động trong chuỗi hoạt động Logistics. Như vậy, sẽ có 2 bên liên quan.
3PL – Third Party Logistics
Doanh nghiệp chủ động thuê ngoài dịch vụ Logistics chuyên biệt quản lý và thực hiện một vài hoặc mọi hoạt động của Logistics.
4PL – Fourth Party Logistics
Doanh nghiệp thuê dịch vụ Logistics lo tất cả mọi thứ từ đầu ra tới phân phối, quản lý và điều hành các bên liên quan để tạo thành chuỗi Logistics hiệu quả.
Bài viết này cung cấp những kiến thức cơ bản về logistics cũng như hoạt động của ngành logistics. Hy vọng những thông tin này sẽ hữu ích đối với bạn.